- 04/04/2023
- Posted by: Admin
- Category: Tin thị trường
Người dân đồng thuận, đất nông nghiệp bớt bị “băm nhỏ”, hồ sơ tách thửa đất giảm – đó là nhận xét chung của các địa phương sau hơn nửa năm thực hiện Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 29-8-2022 của UBND tỉnh về tách, hợp thửa đất (Quyết định số 35).
Thu hoạch quýt tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán. Ảnh: H.Lộc
Tại các địa phương trước đây có nhiều thửa đất nông nghiệp bị tách thửa như: Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ…, tình trạng tách thửa đất nông nghiệp đã giảm hẳn.
* Hồ sơ tách thửa đất giảm đến 80%
Thời điểm từ tháng 3 đến 10-2022, khu vực tiếp nhận hồ sơ đất đai tại Bộ phận một cửa H.Xuân Lộc phải làm việc trung bình đến 8 giờ tối mỗi ngày. Nguyên nhân là do hồ sơ chuyển nhượng, tách và hợp thửa đất quá nhiều, nếu không tăng ca sẽ rơi vào tình trạng chậm giải quyết. Thế nhưng năm nay, thời điểm này lượng hồ sơ tách thửa giảm đến 80%.
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh H.Xuân Lộc Vũ Văn Vũ cho biết, từ tháng 10-2022 đến nay, văn phòng chỉ nhận hơn 550 hồ sơ tách thửa đất. Trong đó, 502 hồ sơ đã có kết quả giải quyết, 389 trường hợp được chấp thuận, còn lại chưa đủ điều kiện tách thửa. “Trước đây, văn phòng nhận 40-50 hồ sơ xin tách thửa/ngày, hiện chỉ còn 3-4 hồ sơ/ngày. Các hồ sơ giao dịch đất đai khác cũng giảm nhưng không giảm nhiều như tách thửa” – ông Vũ chia sẻ.
Từ ngày 1-10-2022, Đồng Nai áp dụng Quyết định số 35; trong đó, quy định điều kiện tách thửa đất nông nghiệp với diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách là 500m2 tại đô thị và 2 ngàn m2 tại khu vực nông thôn; thửa đất sau khi tách thửa phải tiếp giáp với đường giao thông hoặc phải đảm bảo lối đi cần thiết cho người sử dụng đất ở phía trong. |
Cùng nhận định này, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh H.Cẩm Mỹ Đinh Văn Phúc cho rằng, lượng hồ sơ tách thửa đất những tháng qua giảm ít nhất 50% so với thời điểm “sốt” đất năm 2020, 2021. Hiện chỉ còn trên dưới 10 hồ sơ tách thửa/ngày, chiếm khoảng 10-20% trong các hồ sơ liên quan đến đất đai. Người dân đã nắm được quy định nên văn phòng không gặp khó khăn khi giải quyết hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp. Chỉ những trường hợp tách thửa đất khác (cha mẹ tách cho con, mua bán trước đây…) có vướng mắc về diện tích nhưng các xã đã hướng dẫn để người dân gửi hồ sơ về văn phòng đăng ký thẩm định, giải quyết theo quy định.
Tại các huyện Tân Phú và Định Quán, hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp cũng giảm 30-50% so với trước khi thực hiện Quyết định số 35. Nguyên nhân được cho là thị trường bất động sản “đóng băng” dẫn đến nhu cầu mua bán, tách thửa đất giảm.
* Hạn chế “băm” nhỏ đất nông nghiệp
Cách đây 2-3 năm, người dân ồ ạt xin tách thửa đất nông nghiệp để mua bán. Hệ quả là các cánh đồng lớn, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung khó duy trì và phát triển diện tích. Nhiều văn phòng đăng ký đất đai phải tăng ca để kịp giải quyết hồ sơ cho người dân. Tình trạng khiếu kiện do đồng sở hữu, tranh chấp đất cũng tăng.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35, trong đó quy định diện tích đất tối thiểu của thửa đất nông nghiệp sau khi tách ở khu vực nông thôn là 2 ngàn m2 (gấp 2 lần so với quy định cũ); đất tách thửa phải có đường hoặc lối đi.
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh H.Xuân Lộc Vũ Văn Vũ cho rằng, trước đây, biết tách thửa đất nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhưng phải giải quyết hồ sơ vì quy định cho phép. Huyện chỉ thống nhất hạn chế bằng cách không cho tách quá 4 thửa trên cùng một mảnh đất, không cho đồng sở hữu quá nhiều người. Ông Vũ kỳ vọng tình trạng bỏ trống đất nông nghiệp sau tách thửa vì người mua không có nhu cầu hoặc diện tích nhỏ không “bõ” công đầu tư sẽ giảm, hiệu quả sử dụng đất tăng lên.
Theo Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lê Thanh Tuấn, hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp ở nông thôn giảm một phần do thị trường bất động sản, một phần ảnh hưởng từ Quyết định số 35. Để có cơ sở đánh giá tác động của Quyết định số 35 cũng như kịp thời điều chỉnh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Sở TN-MT đã có văn bản gửi 11 huyện, thành phố yêu cầu báo cáo kết quả, các vướng mắc cần khắc phục. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh.
Mặc dù chưa có đánh giá tổng thể nhưng từ số liệu thống kê của một số địa phương có nhiều đất nông nghiệp cho thấy, việc tách thửa đất nông nghiệp đã phần nào giảm; đồng nghĩa với công tác quản lý đất đai và xây dựng đỡ phức tạp hơn, giảm tình trạng đồng sở hữu trên cùng thửa đất. Bên cạnh đó, địa phương cũng thuận lợi hơn trong quy hoạch, hình thành khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung.