- 04/04/2023
- Posted by: Admin
- Category: Tin thị trường
Đồng Nai đang là một trong những nơi có đại công trường giao thông, xây dựng lớn nhất cả nước, chưa bao giờ tỉnh lại có khối lượng thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lớn đến như vậy. Riêng việc xây dựng sân bay Long Thành là cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử của tỉnh với gần 16.000 người phải chuyển đến nơi ở mới để nhường mặt bằng cho siêu dự án.
Bảo đảm quyền lợi của người dân
Những ngày cuối tháng 3, tại xã Bình Sơn, Tổ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Long Thành gặp gỡ các hộ dân cuối cùng thuộc diện di dời của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Lần lượt từng trường hợp được các thành viên tổ công tác hướng dẫn, giải thích cặn kẽ việc áp dụng chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ của mình. “Nhiều hộ dân di dời trước được cấp suất tái định cư hộ chính và hộ phụ nên tôi kiến nghị giải quyết cho gia đình. Sau khi được giải thích về các điều kiện kèm theo, nhà tôi chỉ được một suất tái định cư chính nên tôi chấp nhận di dời”, anh Ngô Đức Long, ấp Cẩm Đường, xã Bình Sơn chia sẻ.
Hơn 5 năm qua, để thực hiện cuộc di dân lớn chưa từng có trong lịch sử, cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành đã dồn tổng lực. Bảy tổ công tác của huyện Long Thành cùng hàng chục cán bộ các sở, ngành tỉnh Đồng Nai tăng cường trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động và giải thích, hướng dẫn các quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân di dời để nhường mặt bằng xây dựng dự án. Đến nay, tỉnh đã bàn giao cơ bản xong 2.532ha giai đoạn 1 và tiếp tục thực hiện thu hồi đất diện tích còn lại trong gần 5.000ha của toàn bộ dự án, cũng như hai tuyến đường kết nối T1, T2.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Thành Nguyễn Quốc Thảo cho biết, khối lượng công việc giải phóng mặt bằng rất lớn, lại là vấn đề dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo do ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 7.700 hộ dân với gần 16.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc, người dân được áp dụng chính sách có lợi nhất.
Đáng mừng là đến thời điểm này chưa có một trường hợp nào tố cáo việc áp giá đất đền bù, hỗ trợ, tái định cư không đúng quy định: “Đối với các trường hợp khiếu nại, chúng tôi rà soát lại hồ sơ kỹ lưỡng, trường hợp thiếu sót sẽ ngay lập tức bổ sung, còn nếu đã áp dụng đúng quy định, cán bộ sẽ giải thích để người dân hiểu rõ, sớm di dời. Làm ban ngày không hết việc, chúng tôi huy động anh em làm thêm buổi tối, thứ bảy, chủ nhật để kịp tiến độ và quan trọng nhất quyền lợi của người dân phải được bảo đảm”, đồng chí Trần Quốc Thảo nhấn mạnh.
Để giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân liên quan đến dự án sân bay Long Thành, mỗi tuần, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đều trực tiếp làm việc với các ngành liên quan về tiến độ và kiểm tra thực tế. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, kịp thời chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc và kiến nghị Trung ương những nội dung vượt thẩm quyền.
Chỉ trong ba tháng qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã hai lần trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ dân trong vùng dự án. Các buổi đối thoại đều diễn ra thẳng thắn, cởi mở và thông điệp cuối cùng được người đứng đầu Đảng bộ Đồng Nai nhấn mạnh, đó là cuộc sống khi người dân chuyển đến nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Điều này thể hiện qua bốn tiêu chí: Quy hoạch chỗ ở mới phải rộng rãi mang tính đô thị hiện đại; đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải tốt hơn; người dân có kế sinh nhai tốt hơn; hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Quế, địa phương đang được ví như đại công trường các dự án giao thông lớn của đất nước, với sân bay Long Thành và các tuyến đường cao tốc: Dầu Giây-Phan Thiết, Bến Lức-Long Thành, Biên Hòa-Vũng Tàu, Dầu Giây-Bảo Lộc, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, việc thành lập một ban với những cán bộ chuyên làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án sẽ thuận lợi hơn.
Bản đồ giao thông kết nối TP Long Khánh đến Sân bay Long Thành
Trước hết cần tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân cùng biết, cùng bàn và phải thật sự công bằng trong áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. “Thực tiễn ở nhiều dự án, người dân khiếu nại hay tố cáo một phần do quá trình áp dụng chính sách không công bằng. Vấn đề giá đất đền bù phải tương đương giá thị trường hoặc ít nhất cũng bằng 80% và phải lo chỗ tái định cư cho người dân trước khi thu hồi đất. Làm được những điều trên, tôi nghĩ người dân sẽ đồng thuận cao, sớm bàn giao mặt bằng”, đồng chí Nguyễn Hồng Quế chia sẻ.
Để Đồng Nai thành nơi đáng sống
Giữa năm 2022, việc thi công sửa chữa tuyến đường Hùng Vương, thành phố Long Khánh kéo dài, khiến người dân bức xúc, nhiều lần kiến nghị vì ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh và sinh hoạt. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bí thư Thành ủy Long Khánh đã trực tiếp đối thoại với 150 hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường. Sau đó, các đơn vị liên quan rốt ráo vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình hoàn thành trước Tết Nguyên đán Quý Mão.
Bí thư Thành ủy Long Khánh, Hồ Văn Nam cho biết, ngoài trực tiếp đối thoại, tiếp công dân theo định kỳ, để kịp thời nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ 7 giờ 15 phút đến 8 giờ 15 phút hằng ngày, tất cả người đứng đầu trong hệ thống chính trị thành phố dành thời gian để tiếp công dân, giải quyết những vụ việc ngay từ cơ sở. Qua đó, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo và sớm chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm của cán bộ để phục vụ người dân tốt hơn. Chúng tôi xác định, nếu cứ chờ tới đợt kiểm tra, thanh tra, giám sát phát hiện sai phạm là trễ, vì khi đó vừa mất cán bộ, vừa ảnh hưởng lòng tin của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Lái, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh chia sẻ: “Từ khi được lên thành phố đến nay, tôi thấy Long Khánh đã bứt phá mạnh mẽ, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Mặc dù đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh năm 2021, nhưng qua đó càng chứng kiến sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cùng cấp ủy, chính quyền vượt qua khó khăn. Tôi sinh ra, lớn lên ở Long Khánh, bây giờ nếu được chọn lại tôi vẫn chọn thành phố thân yêu này để sống”.
Bản đồ giao thông TP Long Khánh và quy hoạch sử dụng đất
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng Đồng Nai trở thành nơi đáng sống, hơn một năm qua, lãnh đạo tỉnh dành thời gian lớn để làm việc, tìm ra hướng giải quyết các vấn đề quy hoạch, nhà ở xã hội, giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư giáo dục, y tế, thể thao. Đây là những vấn đề mà Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn do việc tăng dân số cơ học trong thời gian dài, trong khi hạ tầng xã hội chưa được đầu tư tương xứng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, trong bốn thách thức lớn mà tỉnh nhận diện và đang tập trung các giải pháp khắc phục có vấn đề sự chậm phát triển hạ tầng xã hội, chăm lo cho người dân. Phải thừa nhận một thực tế là quy hoạch của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, làm cho tỉnh còn bị động và mất kiểm soát trong quá trình phát triển.
Đơn cử, thành phố Biên Hòa hiện nay còn thiếu các hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, thiếu không gian cho các phúc lợi xã hội, chất lượng sống của người dân bị giảm sút do đó cần tính toán để quy hoạch lại, di dời người dân. Điều này kéo theo nhiều vấn đề liên quan, vì vậy, cần xác định rõ tầm nhìn trong quá trình phát triển nhanh, bền vững.
Cùng với tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, tỉnh Đồng Nai đang quyết liệt thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang theo chiều sâu.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, kết quả lãnh đạo của một Đảng bộ địa phương phải chứng minh cho được chất lượng cuộc sống người dân tăng lên qua từng năm. Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực công và đẩy mạnh thu hút xã hội hóa, tạo ra ngày càng nhiều giá trị phục vụ xã hội.
Hiện nay, các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn tạo nên hạ tầng kinh tế, cũng là cơ hội thúc đẩy hạ tầng xã hội phát triển, chỉnh trang lại đô thị, sắp xếp lại cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt hơn. Hệ thống chính trị cần tuyên truyền, động viên người dân đồng thuận, ủng hộ di dời để thực hiện các dự án. Việc tái định cư mới là tạo ra một không gian sống tốt đẹp hơn nơi ở cũ.
“Để Đồng Nai trở thành nơi đáng sống phải thể hiện cụ thể ở các tiêu chí như, môi trường, giao thông, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, cơ hội tìm kiếm việc làm, mức thu nhập. Chất lượng cuộc sống phải đi vào từng nội hàm để chứng minh cuộc sống người dân tại đây ngày càng tốt hơn và bao giờ người dân cũng tìm kiếm những nơi có chất lượng cuộc sống tốt để đến và mưu cầu hạnh phúc”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.
Người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh. |